Thử tưởng tượng, những không gian ở chốn đô thị sẽ khô cứng và ngột ngạt biết chừng nào nếu thiếu vắng bóng dáng cây xanh. Và khi có điều kiện hơn nữa, một mặt nước mát lành thấp thoáng hẳn sẽ mang lại thêm nhiều cảm giác sảng khoái cho gia chủ.
ĐỖ NGUYỄN KHẮC MINH – KỸ SƯ NÔNG LÂM
Trước kia do điều kiện đất đai rộng rãi nên vườn có mối quan hệ với nhà, sống trong nhà với vườn là sống cùng bao cảnh, khu vườn và ngôi nhà trở thành một thể thống nhất với nhau. Hiện nay điều kiện đất đai cư trú khá hạn hẹp nên bố trí cây cối và hồ nước chỉ còn lại những chắt lọc gọn gàng nhất.
Theo tôi, có 2 tiêu chí cần quan tâm khi bố trí vườn và hồ nước trong nhà phố là tính cân bằng và tính nổi bật. Không phải cứ có nhiều cây quý hay hồ cá cảnh hoành tráng là tốt, mà cần có sự cân nhắc giữa các yếu tố con người, cây xanh và mặt nước tạo nên cân bằng sinh thái trong nhà, nhất là ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và điều kiện mỗi nhà mỗi khác như của chúng ta.
Không nên lấy một mẫu nhà mẫu vườn nào – dù rất hấp dẫn – rồi áp đặt vào, bởi tùy theo phương hướng, địa điểm, ánh sáng, chủng loại cây… mà phải điều chỉnh cho phù hợp.
Sự cân bằng khi chọn cây có thể thông qua quan hệ giữa không gian và màu sắc trong khuôn viên, nếu nhà ngả về tối, sẫm màu thì nên chọn vật liệu, cây cỏ màu sáng để cân bằng. Ngược lại, khi khuôn viên thừa ánh sáng chói chang (do nắng hướng tây) thì phải dùng sỏi đá và cây lá có màu sẫm, ken dày hơn để giảm bớt sự kích thích thị giác quá mức.
Nếu sân vườn tiểu cảnh giúp gia chủ mỗi ngày ra vào nhìn ngắm cảm thấy thư thái, dễ chịu thì không cần phải bàn. Còn ngược lại, do thấy nhà khác làm hay hay nên muốn làm theo thì… chưa chắc đã phù hợp về ánh sáng, kết cấu, sinh hoạt của nhà mình.
Do đó, không phải vô cớ mà phong cách vườn Việt Nam từ xưa đến nay khá đơn giản và gần gũi, ít khuôn thức gò bó như vườn của các nước châu Âu hoặc Bắc Á vì xuất phát điểm gốc văn hóa của các vùng khác nhau dẫn đến cách xử lý khác nhau.
PHAN XUÂN NGHI – NHÀ THIẾT KẾ CẢNH QUAN
Với đôi chút sắp xếp sỏi đá, mặt nước, cây cối và những “phụ kiện” nho nhỏ, mỗi khoảng giếng trời hay sân trước, sân sau trong ngôi nhà phố hiện nay hoàn toàn có thể tạo nên những tiểu cảnh hấp dẫn mà không quá phức tạp và tốn kém.
Có nhiều mức độ sử dụng vật liệu để phối kết cảnh trí cho nhà vườn tùy theo môi trường và đặc trưng không gian cũng như tính chất sinh hoạt của gia chủ.
Về khí hậu, vườn và hồ trong nhà phố không thể giống như ở ngoài sân trống, bởi góc nghiêng mặt trời và độ sâu của nhà khiến ánh sáng, không khí đón nhận trong nhà ống không đầy đủ. Do đó cần tìm chỗ bố trí đặc trưng như khu vực trung tâm của vườn, nơi nhận nhiều nắng, hay các góc dễ quan sát.
Vườn trong nhà cũng không nên dùng các loại vật liệu có tạo hình sắc nhọn, bề mặt quá thô ráp hay ốp lát nặng nề… sẽ gây bất lợi trong sử dụng và tạo cảm giác ẩm thấp, đè nén.
Cần phải hình dung trước, thậm chí chấp nhận “thử và sai” để gia giảm cho vừa, tránh tình trạng lạm dụng một loại vật liệu xây dựng nào đó (như sỏi đá, gỗ hay gạch trần…) khiến không gian trở nên tối tăm, xù xì và ẩm thấp, đồng thời cũng phải tùy theo khí hậu, cấu trúc và cảm thụ nghệ thuật của gia chủ mà áp dụng cho phù hợp.
Thực tế một số kiểu cách sân vườn hoang sơ, vườn khô kiểu Nhật… lúc mới đầu xuất hiện cũng khá lạ mắt, nhưng nếu làm không hợp cảnh sẽ khiến các không gian trở nên nặng nề, thiếu gọn ghẽ và không “sạch sẽ” nữa.
Kiểu vườn khô vốn xuất xứ từ tinh thần thiền của Nhật Bản và đó là vườn sỏi làm rất công phu ở ngoài trời, kết hợp mặt nước, cây xanh chọn lọc tinh tế, chứ không đơn giản là… rải sỏi đặt đèn đá là xong!
Đưa nước vào nhà sao cho đủ cho đúng nên hiểu như một dạng ý tưởng trong thiết kế, cần xem xét nhiều mặt và khoa học để giải pháp có thể sử dụng bền vững. Còn chuyện nước có đem đến tài lộc hay không thì cũng như nhiều khái niệm mang tính văn hóa dân gian khác, thuần túy thiên về niềm tin “có kiêng có lành” của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước từ xưa đến nay.
HÀ ANH TUẤN – KTS. GIẢNG VIÊN ĐH KIẾN TRÚC
Hiện nay, do khái niệm phong thủy trong nhà hay được diễn giải theo kiểu đơn giản là “gió và nước”, nên hễ muốn nghe gió thì mua phong linh leng keng về treo, muốn thấy nước thì đặt hồ nước róc rách mà ngắm (?). Hiểu nôm na thì làm nôm na, không hại gì nếu những vật phẩm đó được chọn lựa có cân nhắc, có thẩm mỹ và không cản trở sinh hoạt thường ngày.
Còn nếu “nâng tầm” vấn đề lên thành chuyện “đặt hồ nước để tiền vô như nước” thì lại thiếu căn cứ khoa học, thậm chí dùng nước trong nhà không khéo sẽ lợi bất cập hại.
Có lẽ cách giải thích đơn giản “có nước có tiền!” dễ gây ngộ nhận về sự thần kỳ của bồn nước tụ thủy. Thực tế sử dụng chỉ ra nhiều phiền toái khi phải chống thấm, xử lý cấp thoát nước phức tạp hơn trong không gian vốn nhỏ hẹp của nhà phố.
Các chỉ định trong phong thủy thực ra không hề bất biến, cứng nhắc, mà có thể linh hoạt điều chỉnh tùy theo thực tế. Yếu tố nước trong bài trí nội thất mang ý nghĩa về sự tuôn chảy, sống động, trong lành và sự nuôi dưỡng. Những mảng trang trí nước tác động vào giác quan của con người (như tai nghe tiếng róc rách, mắt nhìn thấy dòng chảy…) thiên về yếu tố hỗ trợ tinh thần là chính.
Nếu bố trí hồ nước không đúng vị trí, như đặt hồ cá cảnh, hòn non bộ dưới gầm thang, nơi tối tăm ẩm thấp thì sẽ khiến âm quá thịnh, vừa khó nhìn ngắm tận hưởng lại vừa khó vệ sinh bảo dưỡng.
Một mặt nước nhỏ kết hợp với chút cây xanh và chiếu sáng đẹp sẽ giúp kích hoạt nguồn năng lượng sống trong nhà, thiết nghĩ không hại gì. Nếu nhà có sân vườn hoặc khoảng trống trên sân thượng thì một mặt nước nhỏ thả sen súng và nuôi cá, có chỗ ngồi ngắm cảnh kiểu nhà nhiệt đới (tropical house) sẽ là nơi lý tưởng cho thư giãn, tận hưởng cuộc sống mà không cần đi đâu xa.
Nên lưu ý cấu trúc giảm thiểu đường nét rườm rà để không làm rối mắt, tạo một không gian sạch sẽ, tinh khiết với đá và nước là yếu tố chủ đạo là đã đem được thiên nhiên đến gần hơn với nơi cư ngụ của mình.
Theo Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Số Tháng 7/2016